DI TÍCH LỊCH SỬ-VĂN HÓA ĐÌNH TÂN LỘC ĐÔNG

Vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, bên cạnh việc mở rộng đất đai, tổ chức các đơn vị hành chánh, xây cầu, dựng chợ… việc lập đình là một nhu cầu thiết yếu của người Việt tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đình là nơi thờ phụng những vị thần được vua phong sắc, những người có công với đất nước trong việc chống ngoại xâm và mở mang bờ cõi. Ngoài ra, đây còn là công sở hành chánh của làng, nơi cư trú của khách lỡ đường, nơi hội họp của dân làng vào những dịp lễ hội truyền thống. Có thể nói, đình là “cái hồn” của người Việt, là cơ sở tín ngưỡng chính thống, mang tính chất đa chức năng, là nơi bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương.
Ông Lê Văn Tâm, Ủy viên BTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ trao Quyết định và Bằng xếp hạng Di tích cho đại diện UBND phường Tân Lộc và Đình Tân Lộc Đông. (Ảnh: Hữu Tồn)

Tọa lạc tại khu vực Tân Mỹ 1, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, Đình Tân Lộc Đông hiện có diện tích 2.884m2, bố cục kiến trúc gồm nhiều hạng mục: Sân đình, bức bình phong, Võ ca, Võ quy, Chính điện… Tất cả tạo thành quần thể kiến trúc nổi bật so với các công trình khác xung quanh. Đáng kể đó là khối nhà chính điện cao ráo, vững chãi với ba tầng mái chồng nhau; kết cấu kiểu nhà tứ trụ, liên kết nhau bằng mộng gỗ, thể hiện tay nghề của nghệ nhân đạt dến trình độ kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, Đình còn có giá trị nghệ thuật, tiêu biểu là các mảng chạm khắc hình rồng, lân, quy, phụng, dây lá… Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc, nghệ thuật, Đình còn là nơi bảo lưu các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học như: Bản sắc phong, hệ thống hoành phi, liễn đối, long sa, khánh thờ…
Cũng như hầu hết các ngôi đình ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đình Tân Lộc Đông thờ “Thành Hoàng Bổn Cảnh” và những bậc tiền nhân có công khai khẩn đất hoang, lập nên làng xã, mở mang cơ nghiệp cho làng xóm ngày càng trù phú, phát đạt; thờ những quan chức, chiến sĩ hy sinh vì đất nước; những vị tổ sư dạy nghề cho dân làng. Hàng năm, tại Đình còn có diễn ra 2 kỳ lễ hội truyền thống: Lễ Kỳ yên Thượng Điền và Kỳ yên Hạ điền, với ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, dân cư ấm no hạnh phúc và tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân, anh hùng liệt sĩ, những người có công với dân, với nước. Trong dịp lễ cúng Đình hàng năm, Ban Tế tự có tổ chức diễn nghệ thuật hát bội, ca cải lương… với những tuồng tích xưa có ý nghĩa trong cuộc sống, nhằm phục vụ bà con trong ngày hội truyền thống của dân làng.
Có thể nói Đình Tân Lộc Đông  là một trong các ngôi đình ngôi đình đẹp còn lại không nhiều ở thành phố Cần Thơ,  là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, nơi có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh của người dân quận Thốt Nốt nói riêng và thành phố Cần Thơ nói chung.
Ngày 22/5/2017, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 1342/QĐ-UBND xếp hạng Đình Tân Lộc Đông là Di tích lịch sử - văn hóa.

Nguyễn Thị Mỹ (BQL Di tích TPCT)
Các bài viết khác:
10 NĂM THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG & DI SẢN VĂN HÓA TRONG HỌC ĐƯỜNG   (12/07/2017)
Cần Thơ: Khai mạc Ngày hội “Du lịch vườn trái cây Tân Lộc” năm 2017   (29/05/2017)
THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐOẠT HUY CHƯƠNG VÀNG TOÀN ĐOÀN TRONG FESTIVAL ĐỜN CA TÀI TỬ QUỐC GIA LẦN THỨ II-BÌNH DƯƠNG NĂM 2017   (13/04/2017)
ĐOÀN CẦN THƠ CHUẨN BỊ THAM GIA “FESTIVAL ĐỜN CA TÀI TỬ LẦN THỨ II – 2017”   (02/03/2017)
TÌM HƯỚNG ĐI MỚI   (19/01/2017)
<<    ...  5  6  7  8  9  ...    >>